Trải nghiệm chính và dài lâu nhất trong sự nghiệp của ông Nguyễn Chí Dũng, cho đến nay, chắc chắn là với ngành kế hoạch và đầu tư
Ngày 14/2/2014, tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, ông Nguyễn Chí Dũng, đã tham gia lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2014, một hoạt động thường niên của tỉnh này...
Đó có lẽ là một trong số những hoạt động chính thức cuối cùng mà ông Dũng tham gia tại địa phương trên cương vị Bí thư. Trước đó, vào ngày 25/1, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều động ông quay lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Thứ trưởng.
Ông Dũng ở Ninh Thuận
Ông Nguyễn Chí Dũng không phải người xa lạ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Sinh năm 1960 và có học vị tiến sĩ kinh tế, ông đã kinh qua nhiều chức vụ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ Phó vụ trưởng Vụ Quản lý dự án đầu tư nước ngoài, Cục phó Cục phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Vụ trưởng Vụ Thương mại và Dịch vụ, và nay đến chức Thứ trưởng. Trải nghiệm chính và dài lâu nhất trong sự nghiệp của ông Dũng, cho đến nay, chắc chắn là với ngành kế hoạch và đầu tư.
Đầu năm 2009, với một quyết định điều động của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ông Dũng bắt đầu tham gia vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận. Vài tháng sau, trong một kỳ họp bất thường, Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa 8 đã ra nghị quyết xác nhận kết quả bầu ông Nguyễn Chí Dũng làm Chủ tịch UBND tỉnh. Cuối năm 2010, ông Dũng trở thành Bí thư Tỉnh ủy trước khi chính thức trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 vào tháng 1/2011.
Trong nhận định của nhiều người lúc đó, “về Ninh Thuận” là một quyết định theo dạng “luân chuyển cán bộ”. Như nhiều lãnh đạo trẻ sáng giá khác, ông Dũng cần được bổ sung vào hồ sơ những trải nghiệm địa phương, điều tối quan trọng cho những kế hoạch nhân sự mới trong tương lai.
Ninh Thuận, trong thời gian 3-4 năm qua, bắt đầu có những bước khởi động cho những kế hoạch dài hơi. Thay vì loay hoay trong bài toán “trồng cây gì nuôi con gì” để giải quyết các vấn đề trước mắt, Bí thư Nguyễn Chí Dũng đã phát đi thông điệp về sự cần thiết phải có cách tiếp cận mới, hướng đi riêng.
Tỉnh này đã thuê tập đoàn Monitor của Mỹ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030; đồng thời thuê tập đoàn Arup của Anh lập đồ án quy hoạch phát triển thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và quy hoạch dải ven biển của tỉnh.
Giải thích cho quyết định này, ông Dũng nói rằng muốn phát triển nhanh và bền vững thì “không thể vừa đi vừa ngoái lại, vừa làm vừa xây dựng và điều chỉnh”.
Bên cạnh sự chuẩn bị dài hạn, một trong những giải pháp trong chiến lược phát triển của tỉnh là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tháng 3/2010, Ninh Thuận đã quyết định thành lập Văn phòng Phát triển kinh tế Ninh Thuận, một mô hình lần đầu tiên có tại Việt Nam, được xây dựng trên cơ sở ý tưởng của Monitor và mô hình cơ quan phát triển kinh tế (EDB) của Singapore.
Từ đây, các nhà đầu tư đến với tỉnh chỉ cần tiếp xúc với một đầu mối là Văn phòng Phát triển kinh tế Ninh Thuận để hoàn tất các thủ tục liên quan về thành lập doanh nghiệp, xin chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư đến khâu xây dựng, đất đai, môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng và các thủ tục cấp phép liên quan khác.
Nhưng đây cũng chỉ là một hoạt động cụ thể và giàu tính thông điệp. Môi trường đầu tư cần sự cải thiện từng ngày từng giờ ở nhiều khâu, nhiều cửa và điều này cần được ghi nhận bởi chính các nhà đầu tư. Và kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một thước đo đáng tham khảo về điều này.
Trong mấy năm liền, Ninh Thuận đã phối hợp với VCCI tổ chức các hội thảo về nâng cao chỉ số PCI tại tỉnh, đồng thời đã ban hành chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, với quyết tâm đưa Ninh Thuận vào nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI giai đoạn 2012-2015.
Đến đầu năm 2013, vị trí của Ninh Thuận trong bảng tổng sắp PCI đã “nhảy cóc” từ vị trí xếp hạng 46/63 tỉnh thành trong năm 2011 lên vị trí 18 trong năm 2012 (tăng 28 bậc).
Theo quy hoạch do bên tư vấn Monitor giúp xây dựng, Ninh Thuận sẽ phát triển dựa trên 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột là năng lượng sạch, du lịch, nông-lâm-thủy sản, sản xuất chế biến, giáo dục-đào tạo và kinh doanh bất động sản.
Bí thư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đây là giai đoạn Ninh Thuận “đang tự chuyển mình sang một giai đoạn phát triển mới và tích cực hơn”. “Nhìn vào những cơ hội đầu tư trong tương lai, Ninh Thuận đang có kế hoạch nắm bắt các cơ hội này khi chín muồi và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón nhận dòng chảy đầu tư mới, nhất là tập trung cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư để trở thành điểm đến hấp dẫn và cạnh tranh trong thu hút các nguồn vốn đầu tư”, ông nói trong một hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh này.
Cũng có những ý kiến cho rằng quy hoạch của Ninh Thuận là đầy tham vọng hoặc việc đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao sẽ khó thành hiện thực. Tuy nhiên, ông Dũng nói rằng “có thể đưa ra nhiều ví dụ của một số khu vực và các nước khu vực xung quanh châu Á đã đạt được tăng trưởng cao hơn mục tiêu chúng tôi đặt ra. Ninh Thuận còn thuận lợi hơn nhiều khi đứng trước cơ hội chuyển đổi sang giai đoạn phát triển mới và trong giai đoạn chuyển đổi này, việc đạt được tốc độ tăng trưởng vượt bậc là điều khả thi”.
Cũ mà mới
Giữa năm 2013, tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận khoá 9, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 15 người giữ chức vụ do Hội đồng Nhân dân bầu. Kết quả cho thấy ông Nguyễn Chí Dũng, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, đạt tín nhiệm cao nhất với 37/46 phiếu “Tín nhiệm cao”, cùng với 7 phiếu “Tín nhiệm” và 2 phiếu “Tín nhiệm thấp”.
Một cách chừng mực, ông Dũng trả lời trên báo chí rằng việc “được nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất là nguồn động viên để tiếp tục phấn đấu làm tốt trách nhiệm của mình”, nhưng “vẫn còn một số phiếu tín nhiệm chưa cao thì sẽ nghiêm túc xem xét lại mình, phấn đấu hơn nữa để được các đại biểu tin tưởng hơn”.
Những dấu ấn ông Dũng để lại tại Ninh Thuận là khá rõ ràng, cho dù các kế hoạch lớn vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu. Ở giai đoạn công tác mới, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng đang đón nhận những thử thách khác.
Khá giống với một số năm gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bây giờ đang có tới hai nhân sự lãnh đạo là Ủy viên Trung ương Đảng. Gần đây nhất, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc và Thứ trưởng Bùi Quang Vinh (giờ đang là Bộ trưởng) cũng từng đồng thời là Ủy viên Trung ương Đảng. Cho dù chỉ đảm nhiệm chức danh Thứ trưởng như trước khi ra đi, vị thế chính trị của ông Nguyễn Chí Dũng giờ đã khác.
Những công việc nặng nề mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đảm đương, trong đó quan trọng nhất là việc “vận hành” đại kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, vẫn chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu. Trong một thông điệp nhận được nhiều khích lệ và tin tưởng, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nhấn mạnh đến yêu cầu cấp bách về một cách tiếp cận mới, một thái độ ứng xử mới với các vấn đề “đinh” của nền kinh tế như đầu tư công và cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Quyết định số 1250/QĐ-BKTĐT về phân công công tác của lãnh đạo bộ được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh ký ban hành ngày 10/9/2013, ở thời điểm ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực nghỉ hưu. Không như thông lệ và không như ở nhiều bộ khác, theo Quyết định 1250, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện không có chức danh “Thứ trưởng thường trực”, thay vào đó các thứ trưởng được phân công phụ trách từng mảng và đều bình đẳng về công việc trước Bộ trưởng.
Chưa rõ, với sự có mặt của thứ trưởng “cũ mà mới” Nguyễn Chí Dũng, quy định này liệu có được điều chỉnh?
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người quan tâm và là điều quan trọng hơn, chính là tư duy và tầm nhìn giàu chiến lược mà Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thể hiện ở tỉnh nghèo Ninh Thuận trong "bốn năm luân chuyển", có được giữ lửa ở vị trí công tác mới hay không.
Nghệ Nhân (Vneconomy)