Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh: TTXVN)
Tỉnh nào cũng muốn có các dự án hoành tráng, nhưng cũng cần thấy được trách nhiệm của Trung ương trong quá trình ra quyết định đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng các trung tâm hành chính tập trung.
Thời gian qua, Thủ tướng đã đồng ý cho một số địa phương lập quy hoạch và chuẩn bị đầu tư xây dựng trung tâm hành chính.
Tuy nhiên, để có điều kiện đánh giá kỹ hơn và rút kinh nghiệm việc đầu tư xây dựng trung tâm hành chính tập trung, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng các công trình này.
Hơn một tuần sau khi yêu cầu này được đưa ra, các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam đã gặp nhau ở Hà Nội trong một hội thảo về đầu tư công, trong đó vấn đề "ngân sách tôm hùm", một hình ảnh ẩn dụ để nói về việc các tỉnh thành luôn muốn có những dự án đầu tư hoành tráng, đã được đưa ra thảo luận sôi nổi.
Ai cũng thích "tôm hùm"
Ông Huỳnh Thế Du, Chuyên gia thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng ở Việt Nam, một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay là "cơ chế ngân sách tôm hùm", theo đó hầu như địa phương hay đơn vị nào nào cũng muốn có được những công trình quy mô được hỗ trợ từ ngân sách trung ương mà không quan tâm đến hiệu quả và sự hữu dụng của chúng.
Theo ông Du, chỉ tính từ khi Nhà nước quyết định chuyển định hướng phát triển từ tăng trường cao sang ổn định kinh tế vĩ mô từ đầu năm 2011, có thể thấy vô số các dự án, công trình gần như không mang lại ý nghĩa về mặt quốc kế dân sinh nào cả.
Các ví dụ được chuyên gia dẫn chứng là dự án tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng lên tới trên 400 tỷ đồng ở Quảng Nam vào năm 2011, theo đó dự án này chiếm tới 5,1% chi ngân sách và 10,7% thu ngân sách năm 2010 của tỉnh Quảng Nam; trong khi chính tỉnh này thừa nhận "hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu".
Các ví dụ khác được dẫn chứng là việc Sơn La, một địa phương có số thu ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng nhưng lại có kế hoạch xây cụm tượng đài và quảng trường lên đến 1.400 tỷ đồng hay việc bảo tàng mấy nghìn tỷ ở Hà Nội đang bỏ không nhưng thành phố này vẫn triển khai kế hoạch xây dựng bảo tàng hơn 11.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, kế hoạch xây dựng các trung tâm hành chính tập trung nghìn tỷ với lý do việc tập trung vào một đầu mối sẽ tiết kiệm được chi phí đi lại, giao dịch được chuyên gia cho là rất kém thuyết phục.
Chuyên gia cho rằng "vấn đề cốt lõi của sự lãng phí trong đầu tư công hiện nay ở Việt Nam nằm ở khía cạnh kinh tế chính trị chứ không phải các vấn đề kinh tế hay kỹ thuật thuần túy".
Cơ chế và cách thức phân bổ ngân sách và nguồn lực hiện tại đang có nhiều bất cập làm cho các nơi luôn muốn chọn "tôm hùm" thay vì liệu cơm gắp mắm. Cách thức phân bổ nguồn lực nhà nước hiện nay đang tạo điều kiện cho các nhóm trục lợi vì lợi ích ngắn hạn ảnh hưởng đến việc chọn lựa và quyết định nhiều dự án đầu tư công.
"Thay vì tập trung nguồn lực để làm cho hệ thống trở lên hiệu quả hơn thì các địa phương lại tìm cách tạo dựng các quan hệ, đi "xin" và cạnh tranh kéo nhau xuống đáy. Nghiêm trọng hơn, cơ chế hiện tại không tạo điều kiện cho các nhóm hay đối tượng có lợi ích dài hạn tham gia vào liên minh ủng hộ và vận hành dự án", ông viết, nhấn mạnh thêm rằng "lợi ích chung là rất mơ hồ và không có ai đại diện trong các dự án đầu tư công từ lớn tới nhỏ".
Trong khi đó, nhiều người, nhiều nhóm trong việc quyết định và thực thi các dự án đang tìm cách xà xẻo của công dành những phần rất lớn cho mình với nhiều dự án và khoản chi tiêu hoang phí.
‘Tôm hùm’ không chỉ là trách nhiệm địa phương
Đánh giá về tình hình đầu tư công hiện nay, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng hiện Việt Nam đang mắc phải "một khuyết tật nghiêm trọng của thể chế" là thiếu cơ chế giám sát quyền lực độc lập, có hiệu lực, thiếu chế độ trách nhiệm, thiếu trách nhiệm giải trình. Sự thiếu cơ chế này đã tạo điều kiện cho thiểu số quyền lực lạm dụng đầu tư công để theo đuổi lợi ích của mình trước.
Về vấn đề "ngân sách tôm hùm" hiện nay ở các địa phương trong khi tình hình ngân sách nhà nước mất cân đối rất nghiêm trọng, ông Doanh cho rằng lý do thực là lợi ích nhóm, theo đó "thông qua việc xây dựng những công trình lớn để bòn rút của cải cho riêng mình, công trình càng lớn thì khả năng rút ruột càng nhiều, vì vậy cần có liệu pháp để ngăn chặn tình trạng này một cách căn bản".
Chuyên gia giàu kinh nghiệm này cho rằng vấn đề này liên quan đến thể chế hiện nay ở Việt Nam, theo đó "Trung ương phải làm vừa lòng địa phương, đáp ứng những đòi hỏi của địa phương để nhận được sự ủng hộ của địa phương".
"Ta có thể thấy các trường đại học, các cảng biển xây dựng ở các địa phương đều có sự chấp thuận của Trung ương, cho nên trong phần "tôm hùm" này không chỉ có các địa phương mà các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm ở Trung ương tham gia, chia chác. Có lãnh đạo tỉnh đã nói" chúng em đi có về có, đi không về không", ông phân tích.
Ông Lê Đăng Doanh cũng cho rằng việc Thủ tướng Chính phủ mới đây đã có chỉ thị tạm thời dừng việc xây các trung tâm hành chính hoành tráng này là cần thiết. "Chúng ta cần hướng tới nguyên tắc tự chịu trách nhiệm về tài chính của địa phương, người dân biết và tự quyết định lựa chọn các khoản thu, chi ngân sách ở địa phương mình", ông nói thêm.
Mặt khác, về thể chế, điều cần và có thể làm ngay là chấm dứt tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" dẫn đến vô hiệu hóa luật pháp; theo đó cần tách cơ quan quyết định chính ra khỏi cơ quan thực hiện và có cơ quan giám sát độc lập.
Nghệ Nhân (VNF)