Ngày đầu tháng 9, khi doanh nhân Phạm Văn Tam lên máy bay ra Hà Nội để theo đuổi vụ việc của công ty Asanzo vốn đã kéo dài hơn hai tháng nay, đập vào mắt ông là tờ Tuổi trẻ với hình ảnh một cựu bộ trưởng đang đối mặt cáo buộc nhận hối lộ 3 triệu USD.
Trước đó một tuần, chính ông Tam, khi trả lời phỏng vấn báo chí, đã thừa nhận rằng sau 70 ngày buộc phải tạm ngừng hoạt động, công ty này cũng đã thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng.
Tỷ giá Vietcombank những ngày đầu tháng 9 là 23.255 đồng ăn 1 USD. Nhân với con số 3 triệu USD, nó cho kết quả gần tròn 70 tỷ đồng.
Hai con số trùng hợp ngẫu nhiên, một tạm được coi là "thiệt hại" của nhà nước trong một đại án (mặc dù toàn bộ số tiền thiệt hại đã được thu hồi), một tạm được coi là thiệt hại của một doanh nghiệp đang gặp khủng hoảng, tự nó đã thể hiện những câu chuyện thực chất nhất của môi trường kinh doanh Việt Nam hiện tại.
3 triệu USD là một số tiền rất lớn cho một cá nhân. Cần nhắc lại, một quốc gia phát triển như Singapore thì hiện nay GDP bình quân đầu người cũng chỉ khoảng 100 ngàn USD/người/năm. Sẽ phải mất 30 năm để một cá nhân ở một quốc gia như vậy làm việc cật lực và không ăn tiêu gì mới có được 3 triệu USD.
Lương của Tổng thống Mỹ (cho dù Tổng thống Donald Trump hiện chỉ nhận lương tượng trưng 1 USD), cũng chỉ được ấn định ở mức 400 ngàn USD/năm, nghĩa là để gom đủ 3 triệu USD, một Tổng thống Mỹ buộc phải làm đến 7 năm rưỡi, tức một nhiệm kỳ rưỡi.
Ở chiều ngược lại, với mức GDP bình quân đầu người chỉ 468 USD, Cộng hòa Dân chủ Công-gô là quốc gia nghèo nhất thế giới năm 2018. 3 triệu USD, với họ, là thu nhập của khoảng 6,4 ngàn dân chúng trong một năm cộng lại.
Khoản tiền khủng ấy, một chiều cuối năm 2015, đã được một doanh nhân đưa thẳng đến nhà riêng một bộ trưởng sau thương vụ vô tiền khoáng hậu trong lịch sử kinh tế không chỉ của Việt Nam mà còn là của thế giới, như là phần lại quả cho thương vụ ấy.
Một thương vụ chỉ diễn ra trong hai tháng, trị giá nhiều trăm triệu USD, diễn ra giữa tầng tầng lớp lớp các cơ chế kiểm soát tưởng như không thể vượt qua được. Một thương vụ mà, rất có thể, với những diễn biến khác đi của thời cuộc, đã không thể nào được phơi bày trước công luận và luật pháp.
Khi thương vụ AVG chuẩn bị diễn ra, năm 2013 công ty Asanzo của ông Phạm Văn Tam mới bắt đầu có tên trên thị trường với vỏn vẹn 5 ngàn tivi được bán ra. Thành công đến nhanh hơn dự kiến với 100 ngàn chiếc vào năm 2014 và sau đó là 300 ngàn chiếc vào năm 2015, khi vụ AVG chính thức được thực hiện.
Giữa lúc những con người nhân danh nhân dân, nhân danh nhà nước đang bắt đầu âm thầm thực hiện vụ áp phe thế kỷ, thì doanh nhân Phạm Văn Tam cũng bắt đầu nuôi giấc mộng làm chủ thị trường tivi nói riêng, thị trường điện tử điện máy nói chung của mình.
Tất cả đều không thể ngờ được kết cục chờ họ bốn năm sau. Nhóm những người tham gia vào áp phe thế kỷ đang đối diện với sự trừng phạt nghiêm minh của công lý.
Vị doanh nhân trẻ tuổi thì vướng vào một cuộc khủng hoảng được khởi xướng từ một tờ báo và cho đến nay, vẫn chưa có một kết luận chính thức nào từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Nhà máy đóng cửa, hoạt động kinh doanh đình trệ, thiệt hại thì đã có thể đo đếm.
Thiệt hại nào cho nền kinh tế, dù của nhà nước hay doanh nghiệp, hay cá nhân, thì cũng đều cay đắng như nhau cả. Nguồn lực ít ỏi cho phát triển, rụng rơi mỗi nơi một chút, và đều kéo lùi sự phát triển.
Bài viết này chưa bàn về chuyện đúng sai của câu chuyện Asanzo. Theo thông tin chính thức mới được ngành hải quan công bố, Asanzo đã có những giao dịch với các công ty hiện đã bỏ trốn hoặc không hoạt động. Tuy nhiên, hải quan cũng không kết luận chuyện sai đúng.
Cho dù rất tự tin về chính mình, bản thân Asanzo cũng chưa biết điều gì đang đón đợi mình phía trước, bởi vì tất cả các bên đều đang "chờ đợi các cơ quan chức năng".
Mà cơ quan chức năng là ai? Nơi được đông đảo người dân và doanh nghiệp đón chờ sự công tâm nhất lại là nơi vừa diễn ra áp phe thế kỷ; không phải là ở một bộ, mà là một vụ án "liên bộ". Nơi nhân danh nhân dân, nhân danh nhà nước đã dám trục lợi của nhà nước, một Bộ trưởng được xác định là "chủ mưu" một vụ rút ruột, thì lợi ích của doanh nghiệp và người dân có là ưu tiên của họ?
Các doanh nghiệp sẽ chọn cho mình giải pháp thỏa hiệp để tồn tại và kiếm chác; hay tự tin vào mình và sẽ chết tức tưởi, hay thậm chí không biết rằng mình đang là nạn nhân của những nhóm lợi ích khác? Về mặt chính thức, hiện vẫn chưa ai kết luận chính thức gì về Asanzo, nhưng thiệt hại thì đã rõ, như chính ông Phạm Văn Tam thừa nhận, sẽ mất hàng ngàn tỷ và vài năm để gầy dựng lại.
Các doanh nghiệp khác đang nhìn về AVG, nhìn về Asanzo để định hướng chiến lược hoạt động, họ đang nghĩ gì?
Đó là những vấn đề không dễ giải quyết của môi trường kinh doanh hiện tại, vốn vẫn đang nâng cao lá cờ kiến tạo mỗi ngày.
Nghệ Nhân (VNF)