Từ lâu, câu lạc bộ bóng đá nghiệp dư NPC của chúng tôi có những chương trình từ thiện nho nhỏ. Vài chục thùng sữa, mấy trăm cuốn sách, quỹ học bổng khiêm tốn chỉ năm trăm ngàn đồng mỗi suất... Đội bóng tự đóng góp tiền, hàng, rồi đi xin thêm, rồi tự đi trao, rồi ký tá xác nhận, tổng kết công bố đầy đủ, ai cũng vui.
Rồi khi tham gia các hoạt động lớn hơn, cả từ thiện lẫn tâm linh, tôi nhận thấy nguyên tắc minh bạch có lẽ là quan trọng nhất trong vấn đề thiện tâm nói chung. Khi minh bạch, hiệu quả vận động cũng tăng, niềm vui chung được cộng hưởng và đối tượng thụ hưởng cảm thấy rất được trân trọng, thậm chí cảm thấy cần phải có trách nhiệm với phần lợi ích đã nhận được.
Mấy hôm nay công luận đang nóng bởi những chuyện kém vui trong việc làm từ thiện của giới nghệ sĩ. Chuyện khiến tôi nghĩ về một tích cũ của người Tàu: “Ruộng dưa không cột giày, gốc mận không sửa mũ” (nguyên gốc: Qua điền bất nạp lý, lý hạ bất chỉnh quan).
Tích nói đại ý rằng có một người đội một chiếc nón đi qua một vườn cây đầy mận chín, trong sự vô ý, giơ tay sửa nón, người khác bèn nghi ông ta trộm hái mận. Người khác, trong lúc băng qua ruộng dưa, đúng lúc dây giày bị đứt, ông ngồi thụp xuống để cột lại, không ngờ kẻ khác bảo rằng ông ta trộm dưa. Những cử chỉ vô tình của họ đã đưa đến sự hiềm nghi.
“Quân tử không sửa giày ở ruộng dưa” là cách để người xưa răn mình, trước những mối lợi không phải của mình, phải biết giữ mình mọi nơi mọi lúc, tuyệt đối không nên có những hành động gây nghi ngờ.
Các tôn giáo lớn nhất trên thế giới đều có hình thức khác nhau để giáo dục con người tiết chế mình trước những lợi ích không phải của mình.
Điều răn thứ 10 trong 10 điều răn của đạo thiên chúa là “chớ tham của người”, theo đó “tham lam, ước muốn lấy của kẻ khác nên tìm mọi cách để chiếm đoạt sẽ luôn gây bất công; ở đâu có bất công, ở đó có đấu tranh, có đấu tranh thì có chết chóc, có đau khổ có nghèo đói”.
Đạo Phật khuyên con người ta đừng để lòng tham lôi mình vào cảnh khổ, rằng “Tham lam, tội lỗi hố sâu. Kéo ta xuống chốn khổ đau đời đời”.
Lĩnh vực thiện tâm quả thật như một “cánh đồng dưa” rất đặc biệt. Khi phát động một chương trình thiện nguyện nho nhỏ vào năm ngoái, chúng tôi đã rất cảm kích khi nhận được những khoản tiền chỉ 100 ngàn đồng từ những người xa lạ. Khi niềm thương cảm đồng loại được đánh thức, con người ta có thể dễ dàng cho đi một món tiền, có thể đã là một ngày công của họ. Ở cấp độ toàn cầu, chúng ta cũng được chứng kiến những gia sản tỷ đô được đóng góp vô điều kiện cho các chương trình từ thiện.
Những nỗ lực cứu trợ miền Trung của nhân dân cả nước trong năm qua là rất đáng trân trọng. Hàng ngàn tỷ đồng, hàng ngàn tấn hàng hóa đã tìm về miền Trung theo cách này hay cách khác là minh chứng cho truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.
Vậy nên, không ngạc nhiên khi công luận bày tỏ sự bất bình, thậm chí nổi giận với sự chậm trễ trong việc triển khai các chương trình từ thiện của các nghệ sĩ đã từng đứng ra vận động tiền bạc của người dân.
Các nghệ sĩ như Hoài Linh có lẽ đã không biết đến tích “sửa giày ở ruộng dưa”. Tạm cho rằng nghệ sĩ không có có ý định “hái dưa”, niềm tin sẽ thế nào khi tiền bạc hoàn toàn có thể sinh sôi nảy nở hoặc biến mất một cách dễ dàng trong đời sống?
Giá trị của nghệ sĩ trong cộng đồng là một dạng vốn xã hội, nếu được kích hoạt tốt sẽ đóng góp nhiều hơn cho xã hội, nếu sử dụng "sai mục đích", tác hại là vô cùng lớn!
Từ lâu, nhiều người đã chọn con đường thiện tâm trong lặng lẽ. Tiếp xúc với các đoàn từ thiện trong nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy nhìn chung họ muốn làm thực chất, đi trực tiếp. Tôi vẫn tin rằng dẫu cho hành trình thiện tâm của tất cả chúng ta có những sự cố như Hoài Linh, thì ngọn lửa sẻ chia của người Việt là không bao giờ tắt.
Điều cần nhất là một cơ chế giám sát để tất cả chúng ta cùng đi đứng thẳng ngay trên cánh đồng dưa từ thiện. Và không chỉ từ thiện, sự minh bạch và đàng hoàng về tiền bạc trong tất cả các lĩnh vực đời sống sẽ giúp chúng ta cùng đi tới thịnh vượng một cách vững chắc dài lâu.
Nghệ Nhân (VNF)