Việc 22 cá nhân và 13 tổ chức có liên quan đến Việt Nam xuất hiện trong Hồ sơ Paradise đã gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, soi chiếu với vụ Hồ sơ Panama năm ngoái, dường như "độ nóng" của sự việc lần này đã giảm đi đáng kể.
Như VietnamFinance đã đề cập, Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) vừa công bố một loạt cái tên liên quan đến Việt Nam trong Hồ sơ Paradise, bao gồm 22 cá nhân và 13 tổ chức.
22 cá nhân – thực thể liên quan đến Việt Nam trong Hồ sơ Paradise bao gồm: Quang Hien – Vu, Shrimpton – John, Scriven - Dominic Tymothy Charles, Bui - James Kehoeminh, Duy – Alexis, HUYNH - Phong Thanh, Lam - Don Di, Le-eludut – Therese, Lockwood – Mark, Luu - Tony Guong Toan, Nguyen - Louis T, Ninh - Nguyen Quang, Pham - Brian Quan, Roche - Thomas Paul, Ryder - Peter Raymond, JIUMJAISWANGLERG – Sooksunt, Taylor - Brook Colin, Wouters – Frank, Cong Giang – Bui, Khanh – Luu, Quang - Luu, Tran - Tony Phuc Thanh.
Trong khi đó, Hồ sơ Paradise cũng tiết lộ 13 tổ chức liên quan đến Việt Nam, bao gồm: AC Industrial Development & Investment, AC Infrastructure Development & Investment, AC Housing Development, AC Land, AC Commercial Properties, AC Hotels & Resorts, Vietnam Discovery Limited, Capital Discovery Ltd, Well Creation Vietnam Ltd, Anpha Investment Ltd, Asia Development Limited, Qudos Hoi An Company Limited, Qudos Phu Quoc Company Limited.
Trước đó, Ngày 3/4/2016, Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã tiết lộ khoảng 11,5 triệu tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca trong vòng 40 năm từ 1977 đến 12/2015, hé lộ mạng lưới công ty hải ngoại (công ty offshore, còn được biết đến là công ty vỏ bọc, công ty ma) khổng lồ trên thế giới.
Tài liệu này cũng công khai danh tính 189 cá nhân, tổ chức liên quan đến Việt Nam theo những cách khác nhau, và liên quan đến các công ty vỏ bọc. Ngoài ra, tài liệu cũng công khai tên 23 cá nhân và tổ chức trung gian, 185 địa chỉ tại Việt Nam, phần lớn phân bố ở Hà Nội và TP.HCM.
19 công ty vỏ bọc có liên quan đến các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam chủ yếu được đặt tại Quần đảo British Virgin thuộc Anh, chỉ có 1 công ty trong số đó là đặt tại Panama. Phân nửa trong số này là những cái tên "thuần Việt", còn lại có tên ngoại quốc. Trong số đó có những cái tên doanh nhân, doanh nghiệp khá quen thuộc.
Thời điểm công bố Hồ sơ Panama, lần lượt các doanh nhân như ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch SSI, bà Đàm Bích Thủy – cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng ANZ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch IPP... đã lên tiếng và khẳng định các giao dịch đầu tư ra nước ngoài, mở pháp nhân tại công ty nước ngoài theo Hồ sơ Panama cung cấp là hợp pháp.
Cụ thể, bà Đàm Bích Thủy, cựu Giám đốc Ngân hàng ANZ là một trong những nhân vật đầu tiên lên tiếng về việc xuất hiện trong hồ sơ Panama. Theo bà, việc có tên trong hồ sơ này là bình thường do bà là CEO của ANZ và cũng là lãnh đạo của ANZ/V-Trac International Leasing Company, một công ty tài chính trực thuộc ngân hàng này.
Sau bà Đàm Bích Thủy, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng lên tiếng về việc xuất hiện trong Hồ sơ Panama. Theo ông, việc một công ty đầu tư ra nước ngoài khi đã được cơ quan quản lý cấp phép là hoàn toàn bình thường.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn IPP thì cho rằng, ông có cổ phần tại 2 công ty trong danh sách. Tuy nhiên, một công ty chỉ tồn tại trong 6 tháng vì làm ăn không hiệu quả, doanh nghiệp cũng trả lại cổ phần. Công ty thứ hai cũng được doanh nghiệp của ông mua cổ phần nhưng không hoàn toàn sở hữu. Theo ông chủ IPP, việc mua cổ phần của các công ty này là hoạt động bình thường vì ông là nhà đầu tư quốc tế.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ngay sau khi thông tin Hồ sơ Panama được công bố công khai, Tổng cục Thuế đã có cuộc họp khẩn và cho biết đã thành lập tổ công tác liên quan nhằm làm rõ có dấu hiệu trốn thuế hay không đối với tổ chức, cá nhân bị nêu tên.
Tiếp đó, một cơ quan liên quan của Ngân hàng Nhà nước là Cục phòng chống rửa tiền cũng cho biết sẽ tiến hành rà soát thông tin những tổ chức, cá nhân có trong Hồ sơ Panama.
Tuy nhiên, trong khi tại một số quốc gia, kể từ khi Hồ sơ Panama được công bố, các nhà chức trách đã bắt đầu cuộc điều tra riêng và lần lượt công bố kết quả khiến cho nhiều chính trị gia mất ghế, mọi việc tại Việt Nam lại đã rơi vào im lặng.
Chính vì thế, việc có tên trong Hồ sơ Paradise lần này cũng chưa chắc đã khiến các cá nhân và tổ chức có tên phải quá bận tâm!
Tuy nhiên, Hồ sơ Panama và Hồ sơ Paradise đã cho thấy tính chất phức tạp của thị trường tài chính, đầu tư quốc tế hiện nay. Nó cũng cho thấy độ mở thực sự của nền kinh tế Việt Nam qua các mối quan hệ chằng chịt và đó là cơ sở để các cơ quan chức năng của Việt Nam, đặc biệt là ngành Thuế, phải tiến hành một cuộc rà soát toàn diện để đưa ra các chính sách mới phù hợp với tình hình mới.
Quản lý nhà nước cần phải hướng tới việc thiết lập các thể chế, luật lệ nhằm đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch, cạnh tranh đồng thời đảm bảo lợi ích quốc gia chứ không phải chỉ là đưa ra các tuyên bố khi tình hình căng thẳng, và sau đó, xem những chuyện như Hồ sơ Paradise trở thành "chuyện riêng" của cơ quan quản lý và các cá nhân tổ chức liên quan!
Nghệ Nhân (VNF)