Theo nguồn tin của VietnamFinance, Apple Việt Nam mới đây đã gửi kiến nghị bỏ quy định yêu cầu cấp phép đối với từng lô hàng nhập khẩu, kiến nghị liên quan giấy chứng nhận hợp quy, kiến nghị miễn giấy phép nhập khẩu thiết bị Apple Watch.
Từ kiến nghị này, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản tham gia ý kiến đối với đề xuất cải cách thủ tục hành chính của Công ty TNHH Apple Việt Nam. Do đó để tạo thuận lợi thương mại, giảm thiểu thời gian thông quan hàng hóa của công ty, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Công Thương bãi bỏ việc cấp giấy phép nhập khẩu đối với mặt hàng điện thoại di động theo quy định tại Thông tư 18/2014/TT-BTTTT.
Về giấy chứng nhận hợp quy, Bộ Tài chính thống nhất với kiến nghị của Apple Việt Nam về việc thừa nhận kết quả chứng nhận hợp quy của các tổ chức chứng nhận nước ngoài uy tín đã được quốc tế công nhận làm cơ sở đánh giá chất lượng hàng hoá trước khi nhập khẩu.
Còn về giấy phép nhập khẩu thiết bị Apple Watch, căn cứ quy định hiện hành thì sản phẩm đồng hồ Apple Watch của Apple Việt Nam phải có giấy phép nhập khẩu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng trường hợp xác định chính xác công suất của sản phẩm đồng hồ Apple Watch dưới mức 60mW theo quy định không thuộc đối tượng phải xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Thông tin và truyền thông.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính bày tỏ quan điểm, việc áp dụng giấy phép nhập khẩu quy định tại Thông tư 18 nêu trên cần được xem xét lại để làm rõ mục đích quản lý, đánh giá hiệu quả khi áp dụng.
Theo Bộ này, trường hợp không cần thiết thì đề nghị bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu nêu trên và chỉ áp dụng việc quản lý chất lượng hàng hoá nhập khẩu thông qua quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy hướng dẫn tại Thông tư 30/2011/TT-BTTTT, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật với nội dung tự khai báo.
Câu chuyện trên đây khiến chúng tôi liên tưởng tới câu chuyện kiểm tra iPhone 'bằng mắt' mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa đề cập đến gần đây.
Cụ thể, ngày 19/9, sau buổi trực tiếp kiểm tra thực địa tại Chi cục Hải quan Hải phòng khu vực 3 và cảng Đình Vũ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thừa nhận thực tế có việc các sản phẩm công nghệ cao từ các nước G7 như iPhone 7, Iphone 8 mà vẫn phải kiểm tra chuyên ngành nhưng cơ quan chức năng "chỉ nhìn qua hàng hóa bằng mắt thường rồi thu của doanh nghiệp (DN) hơn 1 triệu đồng tiền phí".
"Đến iPhone 7,8 vẫn kiểm tra, trong khi phòng xét nghiệm, kỹ thuật không có. Trong khi hàng của nước G7 sản xuất, chúng ta chưa làm được mà lại đi kiểm tra. Mình chưa phải hacker lại đi kiểm tra hacker", ông Dũng nêu vấn đề.
Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng hiện nay thời gian kiểm tra chuyên ngành là rất dài, chiếm tới 78% tổng thời gian thông quan hàng hóa, còn thời gian của hải quan chỉ 22%. Theo Hải quan Hải Phòng, hải quan làm thủ tục theo quy định không quá 50 giờ nhưng vẫn phải chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành, khiến thời gian thông quan trung bình khoảng 10 ngày.
Trong khi đó, theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mỗi năm, doanh nghiệp mất 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho các thủ tục này. Mặc dù Hải quan chỉ kiểm tra khoảng 6% lô hàng, nhưng các bộ lại kiểm tra rất nhiều, như số lô hàng thực phẩm phải kiểm tra an toàn thực phẩm lên tới 60-70%.
Thậm chí, nhiều mặt hàng chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản, có mặt hàng tới 4 văn bản, nhiều mặt hàng chịu sự kiểm tra của 2-3 bộ, gây sự chồng chéo, tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Apple Việt Nam, cũng như nhiều doanh nghiệp khác thì hiện vẫn chỉ có thể gửi các kiến nghị, trong niềm hy vọng "Chính phủ kiến tạo" phải được bắt đầu từ những chuyện như thế này.
Trên vai doanh nghiệp vẫn là tầng tầng lớp lớp thanh kiểm tra, điều kiện kinh doanh và những chuyện sách nhiễu khác!
Nghệ Nhân (VNF)