Bài viết này muốn liên hệ hai câu chuyện có thật trong đời sống hiện tại để chuyển tải một thông điệp rằng, hành trình tri thức nào cũng là đáng quý, nhưng không hành trình nào giống nhau cả...
Kế hoạch tặng sách "tỷ đô"
Cho dù gặt hái nhiều thành công trên đường kinh doanh, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ chưa bao giờ được ghi nhận là một tỷ phú, một cách chính thức hay không chính thức. Điều duy nhất cộng đồng được biết là ông khá giàu.
Tuy nhiên, câu chuyện mới đây về hành trình tặng sách của doanh nhân này khiến nhiều người ngạc nhiên. Cụ thể, ngày 30/6 vừa qua, Trung Nguyên Legend của ông Vũ đã khởi động “Hành trình từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại –Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh Niên Việt”.
Với chương trình này, hơn 100 đầu sách báo sẽ được Trung Nguyên Legend trao tặng cho hàng triệu thanh niên thuộc 12 lĩnh vực như: khoa học, triết học, huyền học, y học, võ học, kinh tài học, chính trị học, đạo đức học, xã hội học, mỹ học, âm thanh học và ngôn ngữ học.
Trong 5 năm tới (2018-2023), Trung Nguyên Legend mong muốn trang bị tủ sách, tủ phim đến 11.085 nhà văn hoá xã; 212 nhà văn hoá quận; 1.642 nhà văn hoá huyện, thị trấn; 1.135 nhà văn hoá phường; thư viện của 713 đơn vị hành chính gồm: 68 thành phố trực thuộc tỉnh, 50 thị xã, 49 quận và 546 huyện; trang bị hơn 20 triệu tủ sách và phim tới hơn 20 triệu hộ gia đình, dòng họ…và toàn bộ hệ thống thư viện các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội… trên mọi miền Tổ Quốc.
Với kế hoạch đó, Trung Nguyên Legend dự kiến số lượng sách trao tặng sẽ đạt trên 200 triệu cuốn sách với nguồn lực chi phí gần 5 tỷ USD.
Bởi vì đây thuần túy là một kế hoạch "cho tặng", không sinh lợi trực tiếp và chắc chắn cũng không vay mượn được, để hiện thực hóa nó, ông Vũ không còn cách nào khác là tự bỏ tiền túi. Mà để làm được điều đó, chắc chắn ông phải là một tỷ phú USD.
Một buổi tặng sách của Trung Nguyên. Ảnh: TL
Dĩ nhiên, chúng ta cần vỗ tay cho một kế hoạch như vậy. Trên thực tế, những cuốn sách do Trung Nguyên tặng cũng đã đến được với cộng đồng trong nhiều năm nay. Hành trình cũng không hề dễ dàng: mặc dù là in sách để tặng, từng có lúc Thanh tra Sở thông tin - truyền thông TP Cần Thơ đã tịch thu 5 đầu sách (589 quyển) của Trung Nguyên chỉ vì "xuất bản không đúng bản thảo được duyệt và quảng cáo sai qui định tại một hội chợ".
Cho dẫu đang có những hoài nghi về con số 5 tỷ USD, điều rất thật là, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang theo đuổi một khát vọng sẻ chia tri thức riêng của ông ấy, như chính ông từng thừa nhận: "Tôi tự thấy mình có sứ mệnh với thanh niên Việt Nam, mong muốn họ tin rằng, những gì tôi có thể làm được, họ cũng làm được. Mọi công dân đều có quyền nghĩ lớn".
"Lãng tử" Nguyễn Quang Thạch
Khi Đặng Lê Nguyên Vũ đã là một doanh nhân thành đạt, "làm mưa làm gió" cả trên thị trường cà phê lẫn các diễn đàn chính thức, cựu sinh viên khoa Anh Đại học sư phạm Vinh mới chỉ bắt đầu rời giảng đường.
Thừa nhận mình "xuất thân trong một gia đình có truyền thống phục vụ cộng đồng" với "ông nội tôi từng đưa thầy giáo Tây về dạy học ở địa phương", "em ông nội tôi thì bán ruộng để làm nơi cho trẻ học" và "bố có 20 năm dạy học miễn phí", Thạch tự nguyện dấn thân vào một con đường đầy vất vả: đưa sách về với cộng đồng, dù từng có thu nhập tốt từ nghề phiên dịch.
Hành trình đưa sách về cộng đồng được thúc đẩy từ gần hai mươi năm qua, với điểm nhấn là chuyến đi bộ xuyên Việt vào năm 2015 để vận động, quảng bá cho dự án Sách hoá nông thôn Việt Nam.
Thú vị là trong hành trình ấy, một trong những nhà tài trợ chính là... Trung Nguyên. Tập đoàn này gửi sách bằng đường bộ hoặc đường hàng không đến từng điểm dừng chân của Thạch để anh lấy sách đó tặng cho các tủ sách nông thôn, trường học.
Để hoàn thành chuyến đi bộ kỷ lục này, anh Thạch đã phải mất đến 125 ngày, đi bộ tổng cộng 1.750km dọc theo đất nước. Và anh đã hoàn thành chuyến đi vào đúng 11 giờ 30 phút, ngày 21/6/2015 tại TP.HCM với cuộc giao lưu, tặng sách cho Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM và bạn đọc.
Nguyễn Quang Thạch (trái) trong một hoạt động vận động cho Sách hóa nông thôn. Ảnh: TL
Sách hóa nông thôn nhanh chóng có được sự thừa nhận tầm quốc tế. Tháng 9/2016, UNESCO đã trao cho anh giải thưởng King Sejong về xóa mù chữ - một giải thưởng tôn vinh những người khai trí.
Giờ đây thì, hàng ngàn tủ sách và thư viện, hàng trăm ngàn bạn đọc đã có thể tiếp cận những cuốn sách của anh Thạch. "Lãng tử" không có tiền để mua sách, anh tìm kiếm các nguồn tài trợ và chỉ đóng vai trò kết nối, hiện thực hóa các kế hoạch.
"Lãng tử" cũng có những nguyên tắc của mình: anh từng từ chối các khoản tài trợ mà, dù không nói ra, trong thâm tâm anh nghĩ là không trong sạch, chẳng hạn như tiền tham nhũng.
Vĩ thanh
Chúng ta rồi đây sẽ được chứng kiến, chương trình sách hóa nông thôn tiếp tục được nhân rộng như là tâm nguyện của người khởi xướng. “Theo đúng nguyên tắc của phát triển bền vững, mỗi cộng đồng phải có trách nhiệm với chính mình chứ không trông chờ vào vị cứu tinh nào cả. Tôi luôn tâm niệm phải đánh thức lương tri của cộng đồng để mỗi người tự mang sách về quê hương của mình”, anh từng nói.
Mô hình xã hội hóa Sách hóa nông thôn của anh Nguyễn Quang Thạch. Ảnh: TL
Chúng ta, có thể, rồi cũng sẽ được chứng kiến một lượng sách khủng sẽ được Trung Nguyên in và tài trợ, cả phim nữa..., được vận chuyển trên những chuyến xe sang trọng. Dù sao thì, trên bước đường tiếp cận với văn minh nhân loại, mọi nỗ lực đều rất đáng ghi nhận.
Vậy "lãng tử" Nguyễn Quang Thạch nghĩ sao về đại kế hoạch 5 tỷ USD của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ? "Với các ý tưởng của mình, tôi nghĩ nếu có 500 tỷ đã là quá đủ cho 14 triệu trẻ em đang đói sách", anh Thạch nói.
Anh Minh - (VNF)