Xin giới thiệu một góc nhìn của VNF về việc bổ nhiệm phó giám đốc sở tại Vĩnh Phúc đang gây sốt tuần này. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc gần xa.
Khi mới khởi nghiệp, tôi từng có bài viết về “cán bộ trẻ” trên Thời báo kinh tế Sài Gòn. Các nhân vật được đề cập lúc đó là Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải (42 tuổi), ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Pháp chế Bộ thương mại (31 tuổi), ông Ngô Hải Phan, Vụ phó cải cách hành chính VPCP (30 tuổi), ông Lê Minh Hưng, Vụ phó Quan hệ quốc tế Ngân hàng nhà nước (29 tuổi) và ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ phó Vụ chính sách thuế Bộ tài chính (29 tuổi).
Thấm thoắt gần 20 năm, các nhân vật có người bước nhanh có người bước chậm có người dừng chân trên nẻo chính trường, nhưng nói chung là không còn trẻ nữa. Thành đạt nhất lúc này có lẽ là ông Lê Minh Hưng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng.
Mấy hôm nay, thiên hạ ồn ào chuyện nữ phó giám đốc sở 31 tuổi. 31 tuổi làm phó sở thì không còn trẻ nữa, vừa rồi có người 38 tuổi đã là Ủy viên dự khuyết trung ương Đảng, và chúng ta đang có một thế hệ bí thư, chủ tịch tỉnh ở độ tuổi ngoài 40. Điều thiên hạ quan tâm thực ra không phải chuyện trẻ, mà là vì bạn này là con gái của một Bí thư Tỉnh ủy.
Như một phản ứng đầy tự nhiên của sự thiếu niềm tin, thoạt tiên số đông coi đây là câu chuyện con ông cháu cha, rằng chắc chắn sẽ có gì đó bất thường. Không mấy người bình tĩnh tìm hiểu để xem xem liệu quyết định bổ nhiệm vừa rồi có là chính đáng?
Con ông cháu cha không đáng được xem như một điểm trừ. Sống trong không khí gia đình nào, bạn cũng sẽ ảnh hưởng sâu đậm bởi cha mẹ và không gian công việc/hệ sinh thái của gia đình đó. Như tôi sinh ra trong một gia đình làm giáo dục, có bố mẹ là giáo viên, từ nhỏ đã thuộc lòng câu hát "tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ". Tôi vào đời bằng công việc viết lách cũng là ảnh hưởng từ cha mình và tôi tin, di sản gia đình chắc chắn phải là một điểm cộng cho mỗi cá nhân.
Tôi cũng có những người bạn, thừa hưởng di sản kinh doanh của gia đình nhờ từ nhỏ đã sớm được tương tác với không gian tiền bạc, để giờ đây là những doanh nhân xuất sắc hơn nhiều so với cha mẹ của họ. Những người khác, họ chọn con đường nghiên cứu để cống hiến một cách lặng lẽ. Có người ở lại quê nhà với tuyên bố: "Ông cha mình bao đời làm nông, giờ mình làm cái trang trại, mình thấy là phù hợp nhất".
Tạm bỏ sang một bên các thông tin về trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm..., tôi tin bạn phó giám đốc sở kia đã được thừa hưởng một di sản tương tự, một di sản chính trị từ người mẹ chính khách, dù đó có thể đơn giản chỉ là cách trả lời một cuộc điện thoại hay cầm một ly vang.
Chúng ta từng được chứng kiến những gia tộc chính khách của thế giới, như gia tộc Kennedy hay Bush ở Mỹ hay Koizumi ở Nhật, họ sản sinh nhiều thế hệ lãnh đạo và sẽ còn tiếp tục nỗ lực duy trì di sản đó trong sự tôn trọng của xã hội.
Chúng ta cũng đang có những nhà lãnh đạo giỏi là thế hệ "hồng nhị đại" như trường hợp Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh hay chính ông Lê Minh Hưng. Tuy nền tảng gia đình là rất quan trọng, song nếu không có thực tiễn làm việc xuất sắc, liệu họ có thể thành công và được ghi nhận rộng rãi?
Không ít con ông cháu cha đã thành danh trong sự nghiệp nhờ tận dụng được lợi thế ấy, nhưng cũng không ít trường hợp đã không thể vượt qua, thậm chí chịu tác động ngược, từ tấm áo ấy. Biết đâu những chỉ trích mang tính "mặc định" bây giờ sẽ cản đường vươn lên của một nữ cán bộ thực sự có năng lực và đang khát khao cống hiến, mà ngay ở chặng đầu đã không có được niềm tin từ xã hội?
Điều công luận mong đợi vẫn sẽ là một "quy trình chính trị" để con cái các quan chức có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với các "đối thủ", dưới sự giám sát chung của xã hội. Không có được quy trình ấy, dị nghị sẽ mãi còn và thậm chí nó gây bất công cho chính những người tưởng như đang hưởng lợi.
Không có được quy trình ấy, thì như một nhà quan sát chính trị Việt Nam từng bình luận, giới quan chức sẽ dễ dàng sắp đặt chức tước cho con cái mình dễ như lấy kẹo ra từ trong túi.
Thay vì chỉ trích, liệu chúng ta có thể bạch hóa năng lực của nữ phó giám đốc sở nọ, để cho, không ai khác, chính cán bộ và nhân dân ở đó chấm điểm và giám sát, một cách khách quan và công bằng như bao cán bộ khác? Đó là một câu hỏi được đặt ra gay gắt trong công tác cán bộ hiện nay, và không dễ để trả lời!
Nghệ Nhân (VNF)