Phía “trao giải” bao gồm cả Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, Tổng giám đốc Công ty GM Motor Việt Nam Gaurav Gupta và hai đại biểu khác, trong khi phía “nhận giải” là lãnh đạo ba tỉnh dẫn đầu PCI năm 2012, gồm Đồng Tháp, An Giang và Lào Cai.
Khen chê hay thưởng phạt trong một xã hội cởi mở, trong một nền kinh tế đang phát triển là chuyện bình thường. Thoạt tiên, lễ trao giải sáng nay cũng có thể được coi là một hoạt động bình thường như vậy. Nhưng nếu soi chiếu dưới góc nhìn khác, hoạt động này ít nhiều mang tính biểu tượng.
Một chuyên gia kinh tế từng trao đổi với người viết, tại nhiều nước phát triển, vai trò của doanh nhân là rất quan trọng, và thường là đối tượng được xem trọng nhất trong xã hội.
Trên thế giới, những giải thưởng uy tín ít khi được trao bởi các chính quyền và các chính trị gia, thay vào đó là các tổ chức, các quỹ hoặc các cơ quan báo chí, như trường hợp giải Nobel, giải Oscar... Những chính trị gia giỏi giang sẽ được chính các tổ chức hay cơ quan báo chí trao giải, và họ sẽ cảm thấy hết sức hãnh diện về điều đó.
Vị chuyên gia kinh tế nói trên nhận xét, tại Việt Nam, sau vài thập kỷ đổi mới và mở cửa, sau 13 năm Luật Doanh nghiệp được ban hành với tinh thần khuyến khích kinh doanh là cốt lõi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát được não trạng xem các quan chức chính quyền như những người quản lý mình, chứ chưa phải như "người phục vụ" và là đối tác trong quá trình phát triển.
Không ngạc nhiên khi trong các hoạt động vinh danh, quan chức chính quyền vẫn thường là đối tượng “trao giải”, ngay cả khi giải thưởng không phải của chính quyền. Không ít quan chức, chưa một ngày làm kinh doanh, đã xuất hiện hoành tráng trong những tấm hình lưu niệm ở phòng làm việc của các doanh nhân với tư cách người trao niềm vui và vinh dự cho doanh nhân, doanh nghiệp đó.
Thậm chí, nếu nhìn rộng ra, sẽ thấy trong khi doanh nhân dấn thân giữa thương trường, thì vẫn có những quan chức chính quyền đôi khi đóng vai trò lực cản, thể hiện qua việc ban hành chính sách “hành” doanh nghiệp, tạo ra những giấy phép con, những rào cản đối với quá trình thâm nhập thị trường của doanh nghiệp.
Hành trình đi tìm một sự thừa nhận, một sự vinh danh đầy đủ từ xã hội của cộng đồng doanh nhân tại Việt Nam, sẽ còn nhiều gian nan nếu đặt trong mối quan hệ với các quan chức chính quyền như hiện nay. Một khi, bộ máy nhà nước chưa được thiết kế như là một cơ quan phục vụ và kiến tạo phát triển, khi đó doanh nhân vẫn chỉ là “cấp dưới”.
Với góc nhìn ấy, giải thưởng mà lãnh đạo các tỉnh thành được nhận từ cộng đồng doanh nghiệp sáng 14/3 xứng đáng được ghi nhận như là một điểm nhấn quan trọng trên bước đường phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Cũng với góc nhìn ấy, việc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tiến hành điều tra và công bố PCI, cũng như đánh giá hoạt động của các bộ ngành, có ý nghĩa lớn hơn nhiều một giải thưởng, một danh hiệu thuần túy.
Anh Minh (vneconomy)