"Đồ cũ, đồ mới" hay chuyện những người con giữa xuôi ngược bộn bề, không thể về bên mẹ, có thể bắt gặp đâu đó trong cuộc sống này.
Sáng cà phê gặp anh bạn chuẩn bị về quê, đồ đạc lỉnh kỉnh, buộc hết cả lên nóc xe. Hắn oang oang: "Về quê đây, tiện thể mang mấy món đồ cũ về cho bố mẹ, ngoài này thừa, nhà chật. Các cụ ở quê dùng thế thôi, không dùng cho người khác cũng được, đỡ phí".
Hắn đi rồi, mình lẩn thẩn hoài niệm. Năm 1997, tong tả về Hà Nội học Đại học, bố nói: "Bố mới được tặng cái sơ mi, thôi bố không mặc, cho con đấy, đỡ thua bạn kém bè". Chiếc áo đấy bố được tặng từ một kỳ đại hội của Hội Văn nghệ tỉnh, cho đến giờ mình vẫn còn cất giữ. Nhà nghèo, quê nghèo, bố mẹ là giáo viên, nuôi đủ 5 người con ăn học là một nỗ lực rất lớn.
Thiếu thốn về vật chất đeo đẳng gia đình mình, đeo đẳng cả xứ Nghệ nắng gió nhiều năm liền. Điều an ủi là, năm anh em đã nắm tay nhau lớn lên, học hành đầy đủ và nhờ đó, tìm được công việc, xây dựng được đời sống ấm áp. Mình là út trong gia đình. Mười bảy năm xa quê, với rất nhiều nỗ lực và một ít may mắn, mình đã tạo dựng được cuộc sống cho mình ở Hà Nội, làm được vài việc có thể ấm lòng bố mẹ.
Con không về nổi mẹ ơi,
Quê hương gần lắm mà vời vợi xa...
Những chuyến quay về, cũng tự hào khi đã có thể làm được vài việc báo hiếu. Nhưng cuộc gặp với người bạn khiến mình day dứt. "Đưa đồ cũ về quê" là việc nhiều người làm, mình cũng từng, nên chả trách gì ông bạn. Có điều, nghĩ kỹ thấy có gì đắng đót. Đúng là "Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể. Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày".
Người Nghệ nghèo khó, giản dị và tiết kiệm, việc "dùng đồ cũ" không phải là cái gì ghê gớm. Mua cho bố mẹ tấm áo mới, có khi các cụ lại cất vào tủ, lấy đồ cũ ra mặc kỳ rách mới thôi. Cho dù, khoảng chục năm lại nay, cuộc sống mới đã không còn những ám ảnh cơm áo nữa. Nhưng dù sao, cảm giác day dứt là có thật.
Giữa mùa Vu Lan, mình viết mấy dòng lục bát:
Con về với phố với phường,
Có manh áo mới cha nhường cho con.
Con giờ xe đẹp nhà sang
Bao nhiêu đồ cũ lại "nhường" mẹ cha.
Với riêng mình, lúc nào cũng đau đáu một nỗi niềm quê hương, nỗi niềm về mẹ. Mẹ vẫn ở quê nơi cha đã không về nữa, mười lăm năm nay. 17 năm trước, khi nhận giấy báo đại học, xếp đồ cho mình, mẹ hỏi: "Ung đi học rứa rồi có về quê không nả?". Mình đáp gọn lắm: "Có chứ, học xong con về...". Mẹ cười: "Ung nói rứa chớ mình biết, cho ung ăn học rồi là ung đi luôn. Thôi cố gắng con nhé!".
Ấy rồi mà đúng thật, quê hương xa dần, quê hương bỗng trở thành một nơi "khó về". Ấy rồi, nhoằng cái 17 năm "Từ độ học làm người của phố, Chén tha hương nghe đắng giữa lòng. Chiều nay nhận ra điều nghiệt ngã. Mình đã thành, ừ nhỉ, người dưng...".
Những chuyến trở về vội vã, mỗi lúc ra đi lại như có lửa trong lòng. Mẹ ở lại nơi mình đã lớn và mình không về, dẫu trong sâu thẳm, nhiều khi "Chỉ muốn về bên mẹ, Giữa những ngày rau dưa..."; nhiều khi, thèm quay quắt được về nơi: "Em có về vườn chanh của mẹ, Nẻo giêng hai ấm ngọt sắc hồng. Em xõa tóc giữa mùa xuân con gái. Và hương chanh cho anh ngất ngây lòng..."
Và rồi, một chuyến ra đi, co mình bên quán vắng đường mòn Hồ Chí Minh, nhớ mẹ, ngẫm về cuộc đời, viết vào note trong điện thoại mấy dòng:
Con không về nổi mẹ ơi,
Quê hương gần lắm mà vời vợi xa
Ngày đi mắt mẹ nở hoa,
Ngày về se sắt ấy là lòng con
Thói đời nước đục bụi trong,
Thẳm sâu yên tĩnh ấy lòng đại dương
Con giờ, ừ nhỉ, tha phương
Lời xưa cũng đã lạc đường chiêm bao.
Đồng tiền vẫn lẹm như dao,
Nhiều khi hiếu nghĩa tầm phào như không...
"Đồ cũ, đồ mới" hay chuyện những người con giữa xuôi ngược bộn bề, không thể về bên mẹ như mình, có thể bắt gặp đâu đó trong cuộc sống này. Giữa mùa Vu Lan, lắng lòng lại một chút để chiêm nghiệm về cuộc đời, về chữ Hiếu. Tin rằng, cảm giác day dứt cũng sẽ có ở đâu đó trong các bạn khi đọc những dòng này.
Hoàng Anh Minh (Vietnamnet)