Đê Yên Phụ trong trận lũ lịch sử năm 1971. Ảnh: TTXVN
Cuộc chiến vỉa hè đã và đang diễn ra ở Hà Nội và TP. HCM khiến nhiều người nhớ lại "vụ án đê Yên Phụ" nổi tiếng hơn hai thập kỷ trước. Cho dù tính chất, mức độ nghiêm trọng và bối cảnh xã hội là khác nhau, giành và giữ kỷ cương, trật tự đô thị là câu chuyện chưa bao giờ cũ…
Theo hồ sơ, những năm 1994 - 1995 xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm chân thân đê sông Hồng đoạn qua Yên Phụ và Nghi Tàm để xây nhà trái phép, vi phạm hành lang đê điều nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho thành phố vì thời điểm đó, người ta phát hiện có những vết nứt ở thân đê cũng như những ổ mối ở chân đê mà nguyên nhân là do người dân tùy tiện đổ phế thải xây dựng để lấn chiếm, mở rộng mặt bằng trên phần diện tích là hành lang an toàn của đê.
Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, trật tự xây dựng ở tuyến đường đê này đã được lập lại, theo đó hai bên chân đê được mở hai đường nhỏ tạo thành vệt ngăn cách giữa nhà dân với đê. Toàn bộ hơn 200 hộ dân có diện tích đất lấn chiếm đều đã bị cưỡng chế, dọn sạch để trả lại đường đê, tạo điều kiện để về sau bê tông hóa như chúng ta đang thấy ngày nay.
Sở dĩ gọi vụ việc giải tỏa ở đê Yên Phụ là "vụ án" vì thời điểm ấy, cuộc chiến này hết sức căng thẳng, tới mức một Thứ trưởng Bộ Thủy lợi và nhiều quan chức khác đã bị kỷ luật, thậm chí có người phải vào tù vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý... trong bảo vệ đê điều.
Nhiều giai thoại về "chiến dịch đê Yên Phụ" vẫn được lưu lại cho tới ngày nay, chẳng hạn như việc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng cải trang về tận thực địa để nghe ngóng tình hình thực tế. "Lực lượng" được dùng để tiến hành công việc cưỡng chế cũng đã được huy động từ địa phương khác thay vì lực lượng tại chỗ, được cho là sẽ không đủ quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ. Trong hồi ức của những người dân khu vực này, hai bên đường đê "hậu cưỡng chế" không khác gì bãi chiến trường…
Đê Yên Phụ có lẽ là phép thử lớn nhất mà chính quyền từng phải đối mặt. Cho dù chiến dịch này tốn kém công sức và nguồn lực, việc trả lại kỷ cương, trật tự đô thị cho khu vực này là kết quả rất đáng ghi nhận, và là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất trong hành trang chính trị của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người cũng được biết đến với các quyết định quan trọng khác như cấm pháo hay cho làm đường điện 500kV Bắc – Nam.
Sau hơn 20 năm, chính quyền đứng trước những phép thử mới khi mà tình trạng lấn chiếm vỉa hè, vi phạm trật tự đô thị tại hai thành phố đầu tàu đã lên đến mức báo động. Và hình ảnh một phó chủ tịch quận 1 xông pha "trận địa" với thông điệp "làm không xong sẽ cởi áo về vườn", bên cạnh hình ảnh một chủ tịch thành phố Hà Nội thẳng thắn chỉ ra tình trạng "bảo kê", "lợi ích nhóm" trong việc chiếm dụng vỉa hè, lại gợi nhớ về đê Yên Phụ thuở trước.
Một quốc gia phát triển không thể mang trên mình những đô thị nhếch nhác, nơi quyền lợi số đông bị ảnh hưởng bởi lợi ích của số ít. Đừng vì những lập luận rằng, vỉa hè đang là nơi mưu sinh của những nhóm người nghèo và do đó không nên động chạm tới. Nếu sống chung với những thỏa hiệp kiểu này, chúng ta mãi mãi trong vòng xoáy chậm phát triển, mà một trong những thứ nhìn thấy rõ nhất chính là trật tự, văn minh đô thị.
Nếu thỏa hiệp, có lẽ Hà Nội đã đánh mất, không chỉ đê Yên Phụ, từ hơn hai mươi năm trước…
Vậy nên, xin dành cho các ông Đoàn Ngọc Hải, Nguyễn Đức Chung những lá phiếu tín nhiệm cho công việc đầy khó khăn và áp lực mà các ông đang làm; cho dù cách làm của mỗi thành phố là khác nhau, dù trực diện như ông Hải hay "giải quyết từ gốc" như ông Chung. Xin các vị vững lòng vì, như cựu Thủ tướng Tony Blair đã từng nói, "nếu cải cách mà không ai chống đối thì đó chỉ là cải cách tồi".
Những vỉa hè gọn gàng ngăn nắp, những tuyến phố thông thoáng là những chỉ dấu quan trọng mà người dân có thể cảm nhận được đầu tiên theo một tinh thần "kiến tạo" đã và đang được nhấn mạnh mỗi ngày!
Nghệ Nhân (VNF)